Nhà bà Nông Thị Hảo chiều nay có khách!
Ừ, mà khách lạ lắm! Không phải họ bên nội cũng chẳng phải họ đằng ngoại. Bạn bè thân thích cũng không phải nốt.
À lúi, thì ra là có mấy anh, mấy chị tận đài truyền hình đến quay phim. Ghê thật! Nhà có khách nên bà đi làm đồng về sớm hơn mọi ngày, hái vội lấy ít rau về đãi khách.
Khách leo lên cầu thang, bàn chân bước trên sàn nhà cứ rón rén như cụ già đi qua cầu treo. Sàn bằng dát mai cứ cọt kẹt, cọt kẹt theo mỗi bước chân người, cứ như có thể gẫy đến nơi rồi ấy. Nhìn đến là thấy buồn cười. Ấy vậy mà người Tày ở bao đời rồi mà chẳng thấy có làm sao. Cứ đi nhẹ nhàng như bước chân mèo. Mà dát mai ngồi mùa hè thì cực mát. Chải chiếu mời khách ngồi, theo cách đón khách trân trọng của đồng bào. Vậy mà chẳng mấy hơi, khách đã bỏ cả chiếu để ngồi sàn dát mai cho nó thích.
Khách ngơ ngác ngắm nhìn không gian ngôi nhà có vẻ tò mò lắm. Lại còn có cả bếp lửa để nấu ăn và sưởi ấm. Trên gác bếp là lỉnh kỉnh bao nhiêu thứ. Từ rổ giá, đến men rượu. Lại còn cả những miếng thịt đen thui treo lơ lững nữa chứ.
Mấy cây đàn tính treo vách nhà, làm khách tò mò, lấy xuống. Gẩy thử mà nó cứ kêu tửng từng tưng, chả đâu vào với đâu. Phí cho những ngón tay búp măng đẹp ơi là đẹp. Thôi đành đưa cho chủ nhà xem thế nào.
Bà Hảo nhận lại cây đàn tính của mình mà cười tít mắt. Khi cái bàn tay thô ráp, nhăn nheo suốt ngày cuốc đất, chặt củi, “động đậy” trên những sợi dây đàn, những âm thanh ngân lên tính tang, êm ái, ngọt ngào như chim ca, suối chảy. Lại còn vừa đánh đàn vừa hát then nữa chứ. Hỏi ra mới biết bà còn soạn lời cho những bài then ấy nữa cơ đấy. Thế này mà ở thành phố người ta gọi là ca sỹ, nhạc sỹ chứ chẳng phải chuyện đùa đâu.
Thôi nhé, các cô, các chú truyền hình cứ quay gì thì quay, còn bây giờ bà phải chuẩn bị bữa tối đãi khách. Tóm lại thì chả có gì phải cầu kỳ cả. Nhà có gì thì ăn thế. Rau thì vừa hái ngoài đồng rồi, còn gà thì bây giờ có giời mà đuổi được. Rừng thì rộng mà sức đàn bà thì chạy sao được. Bà ngó lên phía gác bếp, nơi có những tác thịt treo lơ lửng, đen màu khói bếp. Đấy là cái “tủ lạnh” truyền thống của dân tộc Tày mình. Có lẽ nó phải có cách đây hàng bao nhiêu trăm năm rồi ấy chứ. Các cụ ngày xưa thế mà thông minh thật. Cứ thịt con lợn ra, treo lên gác bếp để dành mà ăn cả năm. Cái màu bồ hóng đen đen thế mà có công dụng “ướp lạnh” chẳng kém gì tuyết trắng. Nhìn xấu xấu, ghê ghê thế thôi, chứ cứ thử ăn xem, lại mê ngay thôi mà!
Thịt lấy xuống, ngâm nước, rửa sạch rồi thái ra, rồi xào xào, nấu nấu với tỏi với hành cứ thơm phưng phức. Thế cho nên các cụ ta xưa chẳng nói “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là gì.
Cơm trên bếp đã chín, canh đã nấu ngọt lành, thịt thì đang nóng hôi hổi, tỏa hương thơm phức, như muốn trêu ngươi cái anh dạ dầy. Mới đầu chủ nhường khách, khách lại nhường chủ, nhưng khi bát cơm thứ 2 đã vơi đi bớt nửa, câu chuyện đã bắt đầu rôm rả rồi, thì chẳng còn ai “làm khách” nữa. Cái mùi cơm gạo quê thơm phức, vị thịt treo bùi bùi, beo béo, dai dai, sao mà ngon thế. Cứ như là được thưởng thức sơn hào hải vị ấy.
Khách cũng vui mà chủ cũng vui gấp mấy lần ấy chứ. Nhưng khi đơm xong bát cơm thứ 3 thì bà chủ nhà mới hoảng hồn giật mình vì nồi cơm đã “chạm đáy”, trật ra một lớp cháy vàng ươm. Mà cứ với cái đà này thì bữa chưa thể “dừng” được. Cứ ngỡ các anh các chị ấy người thành phố, người nhà nước chỉ ăn hương ăn hoa thôi chứ hóa ra cũng giống mấy bắc thợ cày, mấy bà nông dân cuốc đất như mình.
Thế này thì ngại quá, phen này khách họ lại nghĩ mình keo kiệt thì hỏng bét! Nếu không, họ cũng cười cho cái bà nhà quê vụng về, đến nấu cơm tiếp khách cũng không đủ ăn thì xấu hổ thật.
Đang lúng túng chẳng biết làm sao thì khách vui tính bảo muốn ăn cháy vì lâu lắm rồi không được ăn. Nấu cơm nồi cơm điện thì đào đâu ra cháy mà ăn. Cứ tưởng họ động viên chữa ngượng cho mình, thế mà hóa ra chẳng phải. Khi những miếng thịt cuối cùng vừa kịp biến mất thì cái nồi cơm cũng “lộ thiên” đáy gang trắng trơn. Chủ và khách cùng nhìn nhau cười hóm hỉnh. Chỉ tiếc là chủ nhà chủ quan không nấu nhiều, chứ nếu còn thì chẳng cần giữ ở lại, các anh, các chị ấy chắc cũng chẳng về được vì ăn no quá, phải ngủ lại thôi.
Khi khách chào ra về, bà Hảo vẫn còn ái ngại, vì chán thật hôm nay vụng quá, có cái nấu cơm khách cũng không được chu đáo đầy đủ. Khách thì cười khì bảo rằng họ còn ngại hơn í, vì hôm nay sao lại ăn nhiều như thế. Trách là trách các cụ ngày xưa, sao lại thông minh nghĩ ra cách bảo quản độc đáo để có món thịt ngon đến thế.
Cứ mải mê vui chuyện thế, mà màn đêm buông xuống lúc nào chẳng biết. Bóng tối đã phủ kín cả khu rừng, len vào từng kẽ lá. Đến lúc phải về thôi. Khách chào ra về, bàn chân bước đi, nhưng ánh mắt vẫn đậu lại trên gác bếp, nơi những miếng thịt đen đen màu bồ hóng, thật đến là ngon.