HOTLINE:

Đôi nét về Chữ Nôm của dân tộc Tày, Bắc Kạn

Đôi nét về Chữ Nôm của dân tộc Tày, Bắc Kạn
Thái Hải Thái Nguyên - 28/05/2016 - 0 bình luận

(Cinet – DTV) – Ngoài những nét đặc trưng tiêu biểu về phong tục tập quán, một số tộc người ở Bắc Kạn còn có chữ viết riêng, trong đó phải kể đến chữ Nôm của dân tộc Tày.

 

Chữ Nôm Tày. Ảnh: Internet

Là một tỉnh miền núi, Bắc Kạn có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Tày chiếm 53%. Cộng đồng người Tày ở Bắc Kạn sống rải rác ở khắp các huyện, thị. Trong đời sống hàng ngày, họ sử dụng tiếng Tày là chủ yếu, còn chữ Nôm rất ít khi sử dụng mà chỉ dùng trong các lễ cúng bái hay trong các truyện thơ, ca dao, tục ngữ.

Chữ Nôm Tày là một sáng tạo tập thể của nhiều thế hệ trí thức người Tày, được ra đời từ khoảng thế kỷ XV-XVI, phát triển mạnh trong thời kỳ nhà Mạc cát cứ ở Cao Bằng và tồn tại đến ngày nay. Cũng như những dân tộc khác đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, cư dân Tày Bắc Kạn từ lâu đời đã biết sử dụng hệ thống ký tự chữ Hán để ghi âm Tày và được các nhà nghiên cứu gọi là chữ Nôm Tày.

Về loại hình, chữ Nôm Tày là chữ khối vuông, thuộc thể loại chữ tượng hình, kế tục và phát triển từ chữ Hán của dân tộc Hán ở phương Bắc. Vì vậy trong cách viết, chữ Nôm Tày phải tuân thủ trình tự, cách thức viết của chữ Hán là trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau; trái trước, phải sau; viết từ trái sang phải, từ trên xuống dưới (theo hàng dọc); sử dụng bộ thủ chữ Hán để nhận biết ngữ nghĩa, mặt chữ.

Chữ Nôm Tày được viết trên giấy bản do người dân địa phương tự sản xuất (tiếng Tày gọi là chỉa sla). Khi viết dùng bút lông thấm mực tàu tay đưa đều ngọn bút trên giấy viết tạo thành nét thanh, nét đậm. Muốn viết chữ đẹp phải khổ luyện sao cho tay viết vừa mềm mại, vừa rắn rỏi, nét chữ lúc thanh, lúc đậm, chữ viết vuông vắn, cân xứng, đều đặn.

Người Tày quan niệm đây là chữ của “thánh hiền” nên khi viết phải cung kính, tư thế ngay ngắn, sách vở để trong rương, trong hòm như những vật quý trong gia đình. Chữ Nôm Tày có cấu tạo tương tự như chữ Nôm Việt. Trong chữ Nôm Tày có hiện tượng sử dụng những chữ Hán Việt, giữ nguyên nghĩa gốc nhưng đọc theo âm tiếng Tày. Ví dụ như chữ Hoàng đọc theo âm Hán Việt có nghĩa là hoàng đế, đọc theo Nôm Tày là “vuồng”.

Tuy nhiên, chữ Nôm Tày cho đến nay vẫn chưa hình thành bộ chữ thống nhất, có những chữ cùng âm, cùng ngữ nghĩa lại có nhiều tự dạng khác nhau. Điều này là do trong điều kiện trước đây chữ Nôm Tày được lưu hành thông qua truyền dạy trực tiếp và sao chép thủ công nên đã có nhiều biến thể. Có nhiều chữ khi viết được người viết giản lược nét, viết tắt, viết thảo (lối viết nhanh, liền nét, chỉ giữ một số nét trọng tâm trong chữ) nên nếu không có một trình độ nhất định về chữ Hán thì không thể đọc được văn Nôm Tày.

Chữ Nôm Tày được dùng để ghi chép nhiều nhất trong sách cúng của các thầy Tào, ngoài ra còn được dùng để ghi chép các truyện thơ của người Tày, sách hát lượn cọi. Do trước đây số lượng người biết chữ ít nên với những sách ghi chép truyện thơ, tri thức dân gian muốn truyền tải đến người dân thường phải thông qua một người sử dụng thông thạo chữ Nôm Tày ở địa phương.

Hiện nay, việc truyền dạy chữ Nôm Tày vẫn chủ yếu bằng phương pháp “nhập tâm truyền khẩu” và người dân tộc thiểu số biết được chữ viết của mình qua một số tác phẩm viết bằng tiếng dân tộc của những nhà văn, nhà thơ ở địa phương, hay qua những câu lượn, lời cúng của thầy Tào. Vì vậy bảo tồn và phát huy chữ Nôm của người Tày là một việc làm rất cần thiết đối với tỉnh Bắc Kạn, nhất là khi chữ Nôm Tày vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia./.

=>> Bài viết gốc tại trang dantocviet.vn

Tin tức