HOTLINE:

Bà cụ răng đen

Bà cụ răng đen
Thái Hải Thái Nguyên - 18/10/2016 - 0 bình luận

Bà cụ lại ngồi kia rồi, dưới gầm nhà sàn, vừa thư thả chẻ nan, vừa bỏm bẻm nhai trầu. Giờ già rồi, không còn đồng áng ruộng vườn được nữa, nhưng cứ ngồi chơi không là không chịu được. Nó cứ buồn bã, ngứa ngáy chân tay thế nào ấy. Thì cứ túc tắc quét cái nhà, cái cửa, kiếm ít cây chẻ nan làm cái chổi, hay đan cái nọ cái kia cho con cháu nó dùng. Ngày xưa các cụ toàn phải tự làm, tự đan lấy, chứ đâu có sẵn đồ nhựa, đồ sắt như bây giờ.

Ừ, mà khách đến nhà thì phải lên nhà uống chén nước chứ nhỉ. Cụ để tạm mấy thứ đồ đan lát vào góc chân cột rồi mời khách leo cầu thang lên nhà. Hỏi cụ leo cầu thang thế có mệt không. Cụ cười tươi mà rằng, với người miền núi suốt ngày leo đồi leo núi, thì như thế này có thấm tháp gì. Mà leo mãi cũng quen hết ấy mà. Rồi cụ lấy chiếc ấm tích ra giót nước mời khách. Uống nước đi nhé, bà còn đang ăn giở miếng trầu, nên tí nữa uống sau. Nước lá cây rừng đấy, tốt lắm!

Rồi cụ kể, ngày xưa, cái thời chưa đi lấy chồng, cụ bị sâu răng đau lắm. Ối giời ơi, đau đến phát khóc, chảy nước mắt nước mũi ra ấy chứ. Thế là bà cụ thân sinh bảo cụ cứ thử ăn vài miếng trầu vào xem, có khi khỏi đấy. Thế là thử ăn. Khiếp, mới đầu đưa vào miệng, nhai vài miếng, thấy nó cay bỏ bố ra ấy chứ, mồm miệng cứ như phồng rộp cả lên. Nhưng mà được cái là hiệu nghiệm thật. Chẳng biết cái con sâu răng nó lăn đùng ngã ngửa ra, hay là chạy biến đâu mất mà đỡ và khỏi hẳn. Thế là ăn trầu từ đấy. Giờ mà thiếu nó thì nhạt mồm nhạt miệng lắm. Bây giờ răng cụ vẫn còn chắc lắm, chứ không như lớp trẻ con cháu bây giờ, toàn thuốc bổ, ăn uống sơn hào hải vị mà răng với lợi sao mà chán quá. Chúng còn nó nói với nhau rằng, nhìn miệng cười thì tươi trắng bóng thế thôi, chứ toàn đồ rởm hết đấy.

Ấy mà, cứ chẳng phải sâu răng mới ăn trầu đâu nhé! Thời cụ, cứ đến tuổi con gái, là cô nào cô ấy đã thi nhau nhuộm răng rồi. Các cụ chẳng bảo cái răng cái tóc là vóc con người là gì. Thời ấy cô nào răng đen thì mới xinh. Càng đen càng tốt. Nhất là được như màu hạt na thì các chàng trai chỉ có ngây ngất. Thời ấy chả có ai dùng son phấn như bây giờ, nhưng môi các cô gái cũng đỏ chót màu nước trầu đấy nhé.

Cụ giờ đã ở cái tuổi tám mươi, cháu chắt đã đề huề lớn tướng cả rồi. Ấy, tính ra nhà cụ là đại gia đình các dân tộc Việt Nam đấy nhé, vì con cháu, dâu rể, có cả người Tày, người Nùng, người Kinh, người Sán Chay…Chúng nó quây quần ở hết xung quanh đây. Cứ chỉ cần ới một tiếng là về chật hết nhà, sợ chẳng đủ chỗ mà ngồi ấy chứ.

Mà không chỉ có con cháu đông vui, ở cái khu, cái bản làng này, lũ trẻ đứa nào cũng gọi cụ là bà nội hết. Nghĩ cũng ngại, vì mình có nuôi chúng nó được ngày nào đâu chứ. Mà thôi, dù chẳng phải là máu mủ ruột già, nhưng con người ta cứ sống tốt với nhau là được. Cứ sống tốt với nhau, sẽ trở thành thân thích.

Đấy, cứ tưởng những cái nhà sàn ở xó rừng chẳng ai biết tới, thể mà dạo này các anh, các chị bên truyền hình hay đến lắm. Cứ quay quay chụp chụp cụ, lúc thì đang đun bếp lửa, lúc thì ngồi đan nan. Bà con ở xa khi gặp, mấy lần bảo, mấy lần em thấy bá, cháu thấy bà ở trên ti vi cơ đấy. Cười rõ là tươi, lại còn răng đen nữa chứ.

Mà nhất khách ở Hà Nội lên, hay tận Sài Gòn, Đà Nẵng ra là nhất định phải xin được chụp ảnh với bà cụ, vì cụ răng đen như trong truyện cổ tích ấy. Các ông các bà tóc vàng, mắt xanh từ tận châu Âu, châu Mỹ gì đấy xa xôi lắm, rất là hay hỏi sao cái hàm răng của cụ lại đen như thế. Rồi họ cười ồ lên và gật gù thú vị khi cụ kể về hàm răng đen của mình, cũng như các cụ già Việt Nam hình như ai cũng có.

Vừa đẩy mấy thanh củi vào bếp lửa đang cháy vừa chuyện trò, cụ bảo ngày xưa các cụ nghĩ ra cái nhà sàn thế này kể cũng thông minh thật. Ngày xưa nhiều thú dữ lắm, nên phải làm nhà sàn cao lên để nó không lên được. Đêm đêm nghe tiếng cọp gầm không phải là chuyện hiếm. Còn lợn rừng thì nhiều lắm, nó xông cả vào ruộng đồng ăn lúa ăn ngô. Có con to như con bê con ấy chứ. Anh thợ săn nào bắn đau mà chưa gục, nó thì quay lại đuổi cho thở không ra hơi ấy chứ. Vậy mà bây giờ chẳng thấy tăm hơi đâu cả.

Mà nhà sàn cổ là nhà sàn phải xuyên toang với những cây gỗ dài từ đầu nhà nọ đến đầu nhà kia. Cột kèo nó go giằng vào nhau chắc như sắt, như thép ấy. Nhớ hồi còn nhỏ, có lần lũ lớn cuốn trôi cả ngôi nhà sàn đi xa, mà nó vẫn vẹn nguyên, dựng đứng như không ở nơi mới cách xa hàng trăm mét. Thế là lại dỡ ra, khuân về dựng lại thường.

Đấy, như cái bếp trên nhà sàn bà cháu mình đang ngồi đun đây này, cũng là thông minh, hay đáo để đấy chứ. Cứ đun nấu thế này, bồ hóng khói bếp sẽ bám, sẽ ngấm vào tre vào gỗ. Thế nên mối mọt đành cắn răng chịu chết đói, chứ xơi làm sao được. Ruồi muỗi cũng sợ mùi khói bếp nên cũng ít đi.

Ấy thế mà nghe đâu trên ti vi hay đài họ nói, nhà sàn truyền thống bây giờ còn ít lắm. Người ta phá hết để xây nhà bê tông rồi. Từ nam ra bắc, các dân tộc khác đều thế cả, chứ chả riêng gì người Tày, người Nùng mình. Cứ thế này thì chả mấy mà hết. May là cái khu, cái bản làng mình còn bảo tồn được nó cho đời con đời cháu sau này. Vất vả đấy nhưng mà vui. Thì phải cố lên thôi chứ nhỉ!

Cụ vừa nói vừa nhai trầu bỏm bẻm, mắt đưa nhìn vào ngọn lửa đang cháy bập bùng. Miệng lại khẽ cười, môi đỏ nước trầu, lại để lộ ra hàm răng đen óng ánh.

Tin tức